Bánh đúc riêu cua là món ăn dinh dưỡng thơm ngon được nhiều gia đình ưa thích. Cùng Yến Nhà Phúc khám phá cách làm món ăn này mà không cần nước vôi trong nhé.
90 phút Chế biến
70 phút Dành cho
2 – 3 người
Với hương vị đặc trưng vô cùng thơm ngon và đậm đà, món bánh đúc riêu cua đã chinh phục vị giác của nhiều tín đồ ẩm thực khó tính. Cùng Yến Nhà Phúc tìm hiểu về cách làm món ăn bánh đúc riêu cua thơm ngon, chuẩn vị mà không cần dùng nước vôi trong ngay thôi nào!
Nguyên liệu làm món bánh đúc riêu cua
- 150g bột gạo
- 50g bột năng
- 1kg cua đồng
- 300g đậu hũ
- 3 trái cà chua
- 50g hành lá
- Gia vị: bột ngọt, đường, muối, hạt nêm, dầu ăn, dầu màu điều
- Dụng cụ: nồi, chảo, rây, tô, màng bọc thực phẩm, giấy chống dính
Mẹo hay:
Để chọn những con cua ngon, bạn nên lưu ý những mẹo sau:
– Nhìn thấy mình cua mập, ấn tay vào yếm cua thấy có bọt khí nổi lên
– Dùng tay bóp nhẹ vào phần bên trong của chân cua, nếu thấy có lõm vào thì là cua ít thịt, thịt không ngon, có vị khai.
– Nên mua và ăn cua vào đầu và cuối những tháng âm lịch, bởi vì vào giữa tháng là thời kỳ thay vỏ của cua, nên cua sẽ ốm, yếu ớt và thịt không ngon bằng đầu và giữa tháng.
Nguyên liệu làm món bánh đúc riêu cua
Cách làm bánh đúc riêu cua
Bước 1 Sơ chế cua
Cua đồng khi mua về nên ngâm trong nước hoặc nước vo gạo trong khoảng 10-15 phút. Sau đó rửa cua sạch lại với ba lần nước. Tiếp theo, tiến hành bóc mai và yếm của cua ra để khi xay đỡ cộm. Cho phần cua đã sơ chế sạch vào chày giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay để cho ra hỗn hợp cua xay.
Dùng 1 lít nước để lược cua 2 lần, mỗi lần dùng 500ml. Cho 500ml nước vào phần cua đã xay sẵn, trộn đều và cho vào rây để lược bỏ những cợn cứng mắc lại trong rây. Đổ 500ml nước còn lại vào phần cợn cứng và lọc lại thêm 1 lần tương tự nữa, ta được phần nước riêu cua để làm riêu cua và nước dùng cho món bánh đúc riêu cua này.
Sơ chế cua
Bước 2 Sơ chế các nguyên liệu khác
Rửa thật sạch phần hành lá đã chuẩn bị, để ráo và thái nhỏ chúng. Bắt chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi cho phần đậu hũ đã chuẩn bị vào và chiên đến khi vàng đều hai mặt thì tắt bếp và vớt chúng ra, thấm sạch dầu thừa.
Ba quả cà chua mua về rửa sạch, để ráo và cắt thành từng múi cau vừa ăn.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Bước 3 Làm phần bánh đúc
Đầu tiên, cho vào tô phần bột gạo, bột năng, ⅓ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm cùng 1 muỗng cà phê đường. Trộn lên để gia vị thấm đều vào bột. Sau đó, cho 200ml nước lạnh vào trộn đều để bột hòa tan. Dùng màng bọc thực phẩm đậy kín tô bột và cho bột nghỉ trong vòng 10 phút.
Lấy khuôn hấp bánh ra rửa sạch, lau khô. Quét một lớp dầu lên bề mặt khuôn. Sau đó bắt một ít nước lên nồi, đến khi nước sôi thì cho phần bột ban nãy vào và tắt bếp liền. Nhấc nồi bột ra khỏi bếp và khuấy đều để bột tan ra. Tiếp theo, cho nồi bột lúc nãy lên bếp, bật lửa vừa và khuấy đều tay cho đến khi bột đặc lại. Bột trong nồi vừa đặc tới thì tắt bếp liền, tuy nhiên vẫn khuấy đều tay trên nồi trong vòng 5 phút. Bước này để khử đi mùi hôi của bột, giúp bột thơm và mịn hơn, một lát bánh đem đi hấp sẽ nhanh chín hơn. Cho phần bột ra khuôn và quét một lớp dầu bề mặt. Dùng 1 lớp giấy chống dính trải trên bột, sau đó dùng tay dàn cho bột trải đều khắp khuôn.
Làm bánh đúc
Bước 4 Hấp bánh đúc
Sau khi đã dàn bột đều khuôn, bắt nồi hấp lên bếp và cho nước vào nồi. Tiếp theo, đặt khuôn bánh vào nồi. Có thể dùng 4 cây đũa bắt ngang trên mặt bánh, bên trên phủ một lớp giấy chống dính để phần hơi nước không chảy xuống làm ướt phần bột, khiến bánh nhão. Hấp bánh đúc trong vòng 15 phút.
Để kiểm tra bánh đúc chín hay chưa, bạn hãy dùng một xiên tre xăm vào giữa khuôn bánh, rút xiên tre ra không thấy dính bột là bánh đã chín hẳn. Mang phần bánh ra khỏi nồi và để nguội sau đó từ từ lấy bánh ra khỏi khuôn. Cắt bánh đúc thành những miếng vừa ăn.
Hấp bánh đúc
Bước 5 Nấu nước lèo riêu cua
Bước tiếp theo, bạn bắt chảo lên bếp, đến khi chảo nóng thì cho hai muỗng canh dầu màu điều vào chảo, cho tiếp phần gốc hành lá cắt nhỏ vào và đảo đến khi chúng dậy mùi thơm là được. Tiếp theo, cho phần cà chua vào đảo nhanh và đều tay để cà chua lên màu và dậy mùi hành thì tắt bếp.
Cho vào nồi nước riêu cua 1 muỗng cà phê muối và hòa tan chúng. Một chút muối sẽ giúp riêu cua dễ đông đặc và nổi lên trên. Bật lửa trung bình cao và khuấy đều tay để tránh phần riêu cua đọng ở đáy nồi. Tiếp tục khuấy nhẹ đến khi phần riêu cua sôi nhẹ thì ngừng, không khuấy nữa. Vớt phần riêu cua nổi trên bề mặt ra để riêng. Tiếp theo, cho phần đậu hũ chiên cùng cà chua vào để làm phần nước dùng cho món ăn. Nêm vào nồi nước dùng ⅓ bột ngọt, 1 muỗng canh đường. Đợi nồi nước lèo sôi thêm một lần nữa là được.
Nấu nước lèo riêu cua
Bước 6 Trình bày và trang trí
Cho phần bánh đúc đã làm vào tô, chan phần nước lèo đang nóng hổi cùng với đậu hũ, cà chua và bỏ một phần riêu cua cùng hành lá cắt sẵn lên trên. Bạn có thể bỏ thêm một vài lát ớt và chan 1 ít nước mắm để món ăn thêm phần đậm đà, hấp dẫn và bắt mắt.
Trình bày và trang trí
Bước 7 Thành phẩm
Bên cạnh tạo hình hấp dẫn, sinh động với nhiều màu sắc khác nhau, món bánh đúc riêu cua còn có một hương vị thơm ngon đặc trưng không thể lẫn đi đâu được. Đây là một lựa chọn thật sự hoàn hảo cho những ngày mưa hay trời se se lạnh để cảm nhận trọn vẹn hương vị đồng quê ấm áp, thơm ngon.
Thành phẩm
Thưởng thức
Món ăn này mang lại hương vị đồng quê tuy dân dã nhưng thơm ngon, bắt miệng cực kỳ. Cắn một miếng bánh đúc dẻo mềm, húp một chút nước cua đồng ngọt thanh cùng miếng riêu cua và đậu hũ béo ngậy với một chút chua nhẹ của cà chua, tất cả tạo nên một mùi hương thơm ngon khó cưỡng. Khi có dịp, bạn hãy trổ tài làm món bánh đúc riêu cua này để chiêu đãi gia đình và bạn bè nhé, chắc chắn họ sẽ rất thích đấy!
Thưởng thức
Nguồn: Ghiền nấu ăn
Vậy là Yến Nhà Phúc đã giới thiệu đến bạn một công thức làm món bánh đúc riêu cua vô cùng thơm ngon, chuẩn vị không cần nước vôi trong. Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ biết thêm được một công thức nấu ăn thú vị để chiêu đãi người thân và gia đình nhé.