Đồ ăn vặt khoái khẩu của cả nhà bạn là bánh tráng trộn? Cuối tuần này, sao chị em nội trợ không tự làm món bánh tráng trộn vừa sạch sẽ vừa ngon miệng tại nhà cho gia đình cùng thưởng thức nhỉ.
Trong số những món ăn vặt đường phố hiện nay thì chắc chắc bánh tráng trộn không thể nào không nằm trong danh sách những món ăn vặt ngon nhất.
Bánh tráng trộn có bán khắp mọi đường phố nẻo đường Sài Gòn tuy nhiên nếu bạn muốn tự tay làm món ăn này tại nhà thì cũng rất dễ đó nha, cùng bắt tay vào làm với Yến Nhà Phúc thôi!
Cách làm bánh tráng trộn ngon, đơn giản tại nhà
30 phút Chế biến
20 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn
- 1 xấp bánh tráng
- 5 quả trứng cút
- 2 trái tắc
- 1/2 quả xoài xanh
- 20g khô bò đen
- 20g khô bò hoặc khô mực xé sợi
- 25g hành lá, hành tím
- 25g rau răm
- 25g đậu phộng rang
- 1/4 chén dầu ăn
- 1/2 muỗng canh sa tế
- 1/2 muỗng canh ruốc khô
- 1/2 muỗng canh muối tôm Tây Ninh
- 1 muỗng canh nước khô bò đen
- Nước tương
- Hành phi
- Dụng cụ: Kéo, tô dĩa, dao bào, găng tay nilong
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn
Các bước trộn bánh tráng
Cắt bánh tráng thành những sợi dài vừa ăn bằng kéo.
Xoài xanh rửa sạch, gọt vỏ, bào thành những sợi nhỏ.
Cho dầu ăn vào chảo, chờ dầu nóng thì cho hành lá cắt nhỏ vào xào sơ trong vài giây rồi tắt bếp đổ ra chén.
Trứng cút cho vào nồi luộc chín rồi bóc vỏ.
Mẹo hay: Bóc trăm trứng trong tích tắc với cách luộc trứng dễ bóc vỏ này.
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tráng trộn
Cho bánh tráng đã cắt vào tô lớn, cắt nhỏ rau răm cho vào.
Sau đó thêm xoài bào sợi, ruốc khô, sa tế, khô bò, khô bò đen, khô mực, muối tôm, đậu phộng và nước cốt của 1 quả tắc vào tô.
Rưới thêm nước khô bò đen, mỡ hành, ít nước tương, hành phi. Cuối cùng, bạn trộn đều hỗn hợp lên.
Cho bánh tráng trộn ra đĩa, thêm trứng cút luộc và đậu phộng rang. Vậy là món bánh tráng trộn đã được hoàn thành rồi, thưởng thức ngay nhé.
Trộn bánh tráng
Bánh tráng trộn sau khi trộn xong là có thể thưởng thức ngay, hương vị không thua gì ngoài hàng quán mà bạn hay ăn. Sự hòa trộn giữa các nguyên liệu rất hấp dẫn như rau răm, khô bò, đậu phộng, ruốc, trứng cút, nước sốt,…
Thành phẩm
Bí quyết làm nước sốt trộn bánh tráng
5 phút Chuẩn bị
5 phút Dành cho
1 – 2 người
Nguyên liệu làm nước sốt trộn bánh tráng
- 1 muỗng canh giấm ăn
- 1 muỗng canh nước tương
- 1 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng canh nước sốt me
- 1 muỗng canh đậu phộng rang
- Tỏi, ớt và sa tế
Nguyên liệu làm nước sốt trộn bánh tráng
Cách làm nước sốt bánh tráng trộn
Cho các nguyên liệu gồm nước tương, giấm, đường vào chén, khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Bằm tỏi, ớt, sả rồi cho vào hỗ hợp trên. Trộn đều nguyên liệu lại với nhau. Đậu phộng giã nhuyễn rồi cho cùng với nước sốt me vào hỗn hợp đã hòa quyện.
Mẹo hay: Bạn có thể cho thêm sa tế để hương vị thêm đậm đà nếu bạn thích ăn cay nhé.
Tham khảo thêm: 5 cách làm nước sốt chấm bánh tráng dễ làm ngon khó cưỡng
Trộn các nguyên liệu
Nuớc sốt sau khi hoàn thành có hương vị cực kỳ cuốn hút. Nước sốt sánh mịn kết hợp cùng các gia vị, bạn sẽ nhận được vị hơi cay cay, chua chua, kích thích vị giác những ai nếm thử.
Thành phẩm
5 cách làm bánh tráng trộn phổ biến tại nhà khác
Cách làm bánh tráng trộn sa tế
15 phút Chế biến
20 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn sa tế
- 200g bánh tráng
- 1 trái xoài xanh
- Rau răm, tỏi phi, hành phi
- Gia vị: Sa tế, muối xay Tây Ninh
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn sa tế
Cách làm bánh tráng trộn sa tế
Rau răm rửa sạch, để ráo. Xoài xanh rửa sạch, gọt vỏ, bào thành sợi mỏng.
Sơ chế rau răm và xoài
Cắt bánh tráng thành những sợi dài đều vừa ăn.
Cắt bánh tráng
Dùng một bình xịt nước, xịt lên bánh tráng để làm mềm bánh tráng vừa hơi ẩm. Cho 1 muỗng canh muối xay Tây Ninh, 2 muỗng canh sa tế rồi trộn đều. Ở bước này bạn có thể nêm nếm sao cho hợp khẩu vị.
Trộn bánh tráng
Rắc tỏi phi, hành phi vào và trộn đều.
Hoàn thành món ăn
Bánh tráng trộn sa tế sẽ có bánh tráng dai mềm, mùi vị sa tế nồng đặc trưng hơi cay cay đầu lưỡi kết hợp với xoài xanh chua chua cùng một ít rau răm hòa quyện rất hấp dẫn.
Bánh tráng trộn sa tế hấp dẫn, đẹp mắt
Cách làm bánh tráng trộn mỡ hành
10 phút Chế biến
15 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn mỡ hành
- 1 xấp bánh tráng
- 200g thịt xay
- Tắc, tỏi, hành lá, hành phi, sa tế, đậu phộng, ruốc khô
- Gia vị: Muối tôm
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn mỡ hành
Cách làm làm bánh tráng trộn mỡ hành
Rửa sạch 200g hành lá, cắt nhỏ. 2 tép tỏi đập dập rồi băm nhuyễn. Đậu phộng giã nhuyễn. Xay hoặc băm nhuyễn thịt.
Sơ chế các nguyên liệu làm bánh tráng trộn mỡ hành
Cho vào 3 – 4 muỗng dầu ăn vào chảo rồi cho tỏi vào phi thơm.
Phi thơm tỏi làm bánh tráng trộn mỡ hành
Cho thịt xay vào chảo dầu vừa rồi, đảo đều đến khi thịt săn lại thì cho ½ muỗng canh hạt nêm và một ít muối vào để thịt được thấm vị.
Đảo đều đến khi thịt chín thì cho hành lá vào đảo nhanh tay rồi tắt bếp. Hoặc bạn có thể tắt bếp rồi cho hành lá vào.
Xào thịt bằm với hành lá làm bánh tráng trộn mỡ hành
Cắt bánh tráng thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó, cho thịt bằm vào trộn đều. Thêm 2 muỗng sa tế, 1 muỗng canh nước tắc, xoài băm, tỏi phi, đậu phộng và rau răm rồi trộn đều là hoàn thành.
Trộn bánh tránh với thịt bằm
Bánh tráng trộn thịt băm mỡ hành vô cùng thơm ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị của nhiều người. Bánh tráng kết hợp với vị cay cay của sa tế, vị bùi bùi của đậu phộng, vị thơm của tỏi phi, hành phi và đặc biệt là thịt bằm rất lạ miệng.
Bánh tráng trộn thịt băm mỡ hành thơm ngon, hấp dẫn
Cách làm bánh tráng trộn chay
15 phút Chế biến
25 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn chay
- 5 cái bánh tráng cắt sợi dài
- 25g khô chay
- 1/2 quả xoài xanh
- Rau răm, đậu phộng rang, hành phi, tắc
- Gia vị: Nước tương, đường, nước cốt chanh, sa tế, muối, nước lọc
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn chay
Cách làm bánh tráng trộn chay
Cho các gia vị gồm: 1 muỗng cà phê nước tương, 2 muỗng cà phê đường, 2-3 muỗng cà phê nước cốt chanh, một ít nước lọc vào chén, khuấy đều cho tan.
Pha nước sốt làm bánh tráng trộn chay
Bạn cho vào thau các nguyên liệu: Bánh tráng, xoài, khô chay, rau răm, đậu phộng rang, hành phi, 1/2 muỗng cà phê sa tê, muối chay và nước sốt, sau đó trộn đều tất cả để thấm gia vị.
Sau cùng bạn vắt thêm khoảng 1 muỗng cà phê nước tắc vào trộn đều là hoàn thành.
Làm bánh tráng trộn chay
Cách làm bánh tráng trộn chay vô cùng dễ làm mà hương vị vẫn không thua kém gì các loại bánh trộn khác. Bạn có thể dễ dàng bắt tay vào thực hiện và thưởng thức những đũa bánh tráng thơm ngon, thấm gia vị vừa ăn.
Cách làm bánh tráng trộn chay vô cùng dễ làm
Cách làm bánh tráng trộn khô
10 phút Chế biến
20 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn khô
- 10 cái bánh tráng
- Hành lá, tỏi phi, hành phi, đậu phộng rang, rau răm, khô bò sợi, khô mực sợi, trứng cút, xoài
- Gia vị: Nước tắc, muối ớt, sa tế
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn khô
Cách làm bánh tráng trộn khô
Bạn cắt 10 cái bánh tráng thành sợi dài rồi cho vào thau. Bào xoài thành sợi. Rau răm rửa sạch, cắt khúc.
Sơ chế nguyên liệu
Bạn cho vào thau bánh tráng các nguyên liệu gồm: 2 muỗng canh ruốc sấy, 2 muỗng cà phê muối tôm, 2 muỗng canh sa tế, 1 muỗng canh tỏi phi rồi trộn đều lên.
Cho các gia vị vào bánh tráng trộn đều lên
Sau đó bạn cho xoài, trứng cút, khô bò, khô mực, rau răm, đậu phộng, 1 muỗng canh nước tắc. Ở bước này, bạn có thể cho các nguyên liệu tùy theo sở thích theo ý muốn của mình rồi sau đó trộn đều lên là hoàn thành.
Mẹo hay: Nếu chưa cần dùng ngay, bạn có thể xếp các nguyên liệu lên trên bánh tráng, khi nào ăn thì mới bắt đầu trộn.
Cho các nguyên liệu như khô, xoài, trứng cút vào bánh tráng
Bánh tráng trộn khô với khô bò, khô mực khi ăn rất hấp dẫn. Bánh tráng dai dai, hòa quyện cùng nước tắc, sa tế và các nguyên liệu khác rất vừa ăn.
Bánh tráng khô có khô bò, khô mực rất cuốn hút
Cách làm bánh tráng trộn Tây Ninh
10 phút Chế biến
15 phút Dành cho
3 – 4 người
Nguyên liệu bánh tráng trộn Tây Ninh
- 100g bánh tráng
- Khô mực, khô bò, xoài, rau răm, tỏi, tắc, hành tím, trứng cút, đậu phộng, ruốc sấy
- Gia vị: Muối tôm Tây Ninh, dầu sa tế, dầu ăn, muối
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn Tây Ninh
Cách làm bánh tráng trộn Tây Ninh
Dùng kéo cắt bánh tráng thành sợi dài vừa ăn. Xoài xanh gọt vỏ, bào sợi. Rau răm rửa sạch, cắt khúc. 5 củ hành tím và 5 tép tỏi lột vỏ, hành tím thái mỏng còn tỏi thì băm nhuyễn. Trứng cút đem đi luộc, bóc vỏ. Đậu phộng rang, bóc vỏ.
Sơ chế các nguyên liệu
Bắc một chiếc chảo lên bếp cùng 5 muỗng canh dầu ăn đun ở lửa vừa, rồi cho hành tím vào phi thơm vàng. Sau khi phi hành tím xong, bạn làm tương tự với tỏi để phi thơm tỏi.
Phi tỏi và hành tím
Bạn cho bánh tráng vào thau cùng với nước cốt 2 trái tắc, 2 muỗng cà phê muối tôm Tây Ninh rồi trộn đều lên.
Sau đó là cho 1 ít tỏi phi, hành phi, đậu phộng rang, xoài xanh, rau răm, 2 muỗng cà phê ruốc sấy và 4 muỗng cà phê dầu sa tế rồi đảo đều tất cả nguyên liệu để thấm đều với bánh tráng. Cuối cùng bạn cho thêm vài quả trứng cút theo ý muốn là hoàn thành.
Trộn bánh tráng
Bánh tráng trộn xong có độ mềm, không quá khô mà cũng không quá ướt. Khi ăn sẽ có độ dai, kết hợp với vị chua chua của xoài, vị mặn của muối tôm và cay cay thơm của các loại khô rất ngon.
Bánh tráng trộn Tây Ninh màu vàng bắt mắt, hấp dẫn
Một số câu hỏi thường gặp khi làm bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn bao nhiêu calo?
Nhiều người yêu thích ăn vặt, nhưng lại đắn đo suy nghĩ vì không biết ăn bánh tráng trộn có mập không?
Theo đó, trong 100g bánh tráng trộn sẽ cung cấp 334 Kcal, 16g chất béo và 5g protein cho cơ thể. Do đó, tùy vào lượng bánh tráng bạn ăn sẽ có thể hoặc không tăng cân. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều bánh tráng hoặc ăn bánh tráng vào ban đêm sẽ có nguy cơ tăng cân đấy! Vì vậy, hãy điều chỉnh phần ăn sao phù hợp bạn nhé.
Ăn nhiều bánh tráng vào ban đêm sẽ có nguy cơ tăng cân
Bảo quản bánh tráng trộn qua đêm như thế nào?
Nếu bạn chưa trộn các nguyên liệu bánh tráng trộn lại với nhau thì bạn có thể để riêng các nguyên liệu vào các bịch nilong khác nhau. Ví dụ bánh tráng, khô mực, khô bò, ruốc, hành phi riêng một bịch. Để xoài, rau răm riêng một bịch. Trứng cút thì để nguyên quả đã luộc và cho vào tủ lạnh. Và bạn nên nhớ rằng không để các nguyên liệu dính nước vì sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên liệu.
Còn nếu bạn muốn bảo quản phần bánh tráng trộn đang ăn dở, thì hãy cho vào một chiếc hộp rồi đậy kín nắp hay cho vào một bịch nilong rồi buộc chặt. Tuy nhiên cách này cũng không được khuyến khích để thời gian lâu, chỉ nên để từ 2-4 tiếng là phù hợp.
Nên cho bánh tráng trộn vào hộp đậy kín nắp từ 2-4 tiếng
Bánh tráng trộn qua đêm có ăn được hay không?
Khi bạn đã trộn bánh tráng, phần bánh sẽ được tẩm trong các loại nước sốt khiến chúng bị mềm nhũn ra sau khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì vậy sẽ rất khó ăn khi để qua đêm.
Ngoài ra, trong bánh tráng trộn sẽ có nhiều nguyên liệu, gia vị khác nhau, nếu để ngoài không khí quá lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến mắc phải các bệnh về hệ tiêu hóa như: Đau bụng, nhiễm khuẩn, ngộ độc,…
Do đó, để an toàn thì bạn không nên để bánh tráng trộn qua đêm, khi nào ăn thì hãy bắt đầu trộn vừa đủ lượng bánh tráng với các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn là được.
Không nên để bánh tráng trộn qua đêm
Bà bầu ăn bánh tráng trộn được không?
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn bánh tráng được. Nhưng hầu hết, trong thành phần bánh tráng đều có rau răm để làm dậy mùi bánh tráng thêm thơm ngon. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai kỳ, thì bà bầu không nên ăn rau răm bạn nhé!
Ra siêu thị hay tới cửa hàng quen thuộc, mua đầy đủ nguyên liệu cho món bánh tráng trộn, khi về nhà bạn sẽ chẳng mất quá nhiều thời gian để hoàn tất món ăn siêu đơn giản này đâu nhé. Thử sức ngay nào!