Trong những hôm trời lạnh buốt mà có một chén chè nóng thì còn gì bằng, đúng không nào? Hôm nay Yến Nhà Phúc sẽ gợi ý cho bạn món chè khoai mì nóng ngọt ngào, thơm nức mũi cho ngày đông lạnh, đảm bảo cả nhà sẽ thích mê đấy.
120 phút Chế biến
20 phút Dành cho
3-4 người
Trong những ngày đông lạnh cuối năm, người ta thường tìm về các món ăn vặt ấm nóng để vừa giữ ấm cơ thể vừa có thể chống lại các bệnh giao mùa như ho, cảm cúm,… Và một trong các món ăn vặt được ưa chuộng nhất chính là “bộ sưu tập” chè nóng như chè đậu xanh nước cốt dừa, chè đậu đen, chè đậu xanh,… Nếu các bạn đang muốn đổi gió với một loại chè khác, vẫn thơm ngon và tiết kiệm thời gian chế biến thì hãy tham khảo món chè khoai mì qua hướng dẫn bên dưới nhé.
Nguyên liệu làm chè sắn (chè khoai mì)
- Củ sắn (Khoai mì) 500 gr
- Nước
- Muối 15 gr
- Lá dứa 20 gr
- Đường thốt nốt 150 gr
- Gừng 20 gr
- Bột sắn dây 10 gr
- Cơm dừa non 50 gr
- Mè rang 10 gr
Nguyên liệu làm chè sắn (chè khoai mì)
Cách làm chè sắn (chè khoai mì)
Bước 1 Ngâm củ khoai mì
Đầu tiên bạn pha một thau nước muối với tỷ lệ 1 lít nước và 15gr muối, ngâm tất cả củ khoai mì bạn đã lột vỏ trong nước muối trong 2 giờ hoặc qua đêm để thải bỏ độc tố trong khoai và khoai không bị đắng.
Ngâm củ khoai mì
Bước 2 Hấp khoai mì
Cho khoai mì đã ngâm nước muối vào nồi hấp với lá dứa cho đến khi khoai mềm vừa phải và không để khoai bị nứt ra là được. Sau đó bạn lấy khoai ra, để nguội và cắt khoai thành từng lát vuông vừa ăn và nhớ bỏ đi phần lỗi ở giữa.
Lưu ý: Bạn nên chọn cách hấp khoai thay vì luộc để khoai giữ nguyên vị ngọt. Đừng cắt khoai quá nhỏ sẽ làm khoai dễ vỡ khi nấu chè.
Hấp khoai mì
Bước 3 Làm nước chè
Đầu tiên bạn cho đường thốt nốt vào nồi cùng 500ml nước và khuấy đều với lửa vừa. Tiếp đến bạn cho gừng vào và khuấy đều tay đến khi nước đường sôi.
Khi thấy nước đường đã sôi, dậy mùi thơm của gừng thì cho tất cả khoai mì vào nấu trong 20 phút nhé.
Trong thời gian chờ đợi, bạn làm hỗn hợp bột sắn dây bao gồm 10gr bột sắn dây và 30ml nước, khuấy đều cho bột tan.
Sau 20 phút nấu chè, bạn đổ hỗn hợp bột sắn dây vào và khuấy đều cho đến khi sệt lại. Vậy là bạn đã có một nồi chè sắn nóng thơm ngon, ấm nóng rồi.
Làm nước chè
Lưu ý: sau khi đã cho bột sắn dây vào, bạn nên để lửa thật nhỏ và chỉ nên nấu trong khoảng 2 phút nữa vì bột sắn dây nhanh chín, nếu nấu trong lửa lớn sẽ làm bột bị vón cục.
Tham khảo thêm: Cách làm chè khoai dẻo thơm ngon, thanh mát
Bước 3 Thành phẩm
Sau khi nấu bạn chỉ cần múc ra chén và cho một ít sợi cơm dừa non và mè trắng rang lên trên để chén chè thêm béo và thơm hơn nhé.
Thành phẩm
Thưởng thức
Chỉ qua 3 bước là bạn đã có một nồi chè khoai mì nóng ngọt ngào với nước đường thốt nốt ngọt thanh, sền sệt và không quá gắt, kèm với những miếng gừng ấm làm cho nước chè thêm hấp dẫn hơn. Đặc biệt, những viên khoai mì dẻo bùi chắc chắn sẽ trở thành thức quà giản dị để bạn và gia đình vừa thưởng thức vừa ôn lại chuyện cũ trong những ngày đông lạnh này.
Thưởng thức
Món ăn vừa ngọt ngào, thích hợp cho mùa đông lạnh giá, vừa dễ dàng chế biến chắc chắn là món chè sắn nóng này rồi. Hãy lưu lại công thức nấu món chè này ngay bây giờ và mua sắn về nấu dần cho gia đình thôi nào.